THÔNG TIN TUYỂN SINH

HỎI ĐÁP NGÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI

 

Hỏi: Thầy/ cô cho em hỏi ngành công tác xã hội là ngành gì?

Trả lời:

- Ngành Công tác xã hội là một ngành tương đối mới, thuộc lĩnh vực khoa học xã hội. Thông thường, công tác xã hội được mọi người biết đến dưới các khía cạnh khác nhau như: hoạt động từ thiện, giúp đỡ những người khó khăn, những người yếu thế trong xã hội, hành trình nhân ái…

 - Nhưng không chỉ có thế, công tác xã hội thực chất là một ngành học về các lĩnh vực chuyên môn nhằm góp phần nâng cao an sinh xã hội trong cộng đồng cũng như hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan đến tâm lý, chính sách,…của người bệnh trong các bệnh viện. Sứ mạng của ngành Công tác xã hội là nỗ lực hành động nhằm giảm thiểu những rào cản trong xã hội, thúc đẩy công bằng xã hội thông qua phát triển chính sách xã hội.

Hỏi: Em muốn học ngành Công tác xã hội tại trường đại học Trà Vinh, tuy nhiên em không biết Trường xét tuyển vào ngành này ở những tổ hợp môn nào?

Trả lời:

Bạn có thể lựa chọn một trong những tổ hợp xét tuyển sau để học ngành Công tác xã hội tại trường đại học Trà Vinh:

  • C00: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý
  • C04: Ngữ văn, Toán, Địa lý
  • D66: Ngữ văn, Giáo dục công dân, tiếng Anh
  • D78: Ngữ văn, Khoa học xã hội, tiếng Anh

Ngành xét tuyển trên cả 2 phương thức: Phương thức 1 (xét tuyển sử dụng kết quả thi THPT quốc gia) và Phương thức 2 (xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT)

Hỏi: Cơ hội việc làm khi học ngành công tác xã hội như thế nào?

Trả lời:

Ngành Công tác xã hội đã được đào tạo ở nước ta hơn 10 năm, đây là ngành có nhiều tiềm năng, số lượng sinh viên ra trường hiện chỉ đáp ứng 40% nhu cầu. Khi tốt nghiệp ngành công tác xã hội sinh viên có thể làm trong các cơ quan nhà nước như Lao động thương binh xã hội, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Nhân viên công tác xã hội trong trường học, nhân viên công tác xã hội trong các bệnh viện, làm việc tại các trung tâm bảo trợ xã hội, làm việc cho các tổ chức phi chính phủ, các dự án phát triển của nước ngoài.… Đối với những em yêu thích ngành giáo dục, sinh viên cũng có thể làm công tác xã hội trong các trường học hoặc giảng dạy ở các trường nghề, cao đẳng hoặc đại học về các ngành /chuyên ngành: Công tác xã hội, Xã hội học.

Hỏi: Làm nghề Công tác xã hội, em phải học những gì?

 Trả lời: Sinh viên Công tác xã hội sẽ  được đào tạo các kiến thức quan trọng như: tâm lý học, xã hội học, kỹ năng giao tiếp, tổ chức và phát triển cộng đồng, An sinh và chính sách xã hội .., đặc biệt là các kiến thức chuyên môn liên quan đến công tác xã hội trong bệnh viện, công tác xã hội trong trường học, công tác xã hội với người lao động, ….Bên cạnh đó, trong quá trình học tập, em còn được rèn luyện các kĩ năng mềm. Ví dụ, trường hợp một người có tổn thương tâm lý và có ý định tự tử. Kiến thức xã hội giúp nhân viên xã hội tìm hiểu nguyên nhân và mức độ tổn thương của người đó. Sử dụng kiến thức tâm lý giúp đỡ họ vượt qua khủng hoảng bằng cách tham vấn hoặc trị liệu tâm lý để người đó ổn định lại và không có hành vi làm tổn hại đến bản thân nữa. Bên cạnh đó phải có sự đồng cảm, giao tiếp khéo léo… để kết nối tốt với thân chủ.

Hỏi: Để có thể trở thành một nhân viên làm trong lĩnh vực Công tác xã hội, các đơn vị sử dụng lao động yêu cầu sinh viên rèn các kĩ năng nghề nghiệp nào?

Trả lời: Trong bối cảnh hội nhập ngày nay, để có thể trở thành một nhân viên làm trong lĩnh vực Công tác xã hội, sinh viên rèn các kĩ năng nghề nghiệp như: kĩ năng tham vấn và hỗ trợ các đề về công tác xã hội cho người dân trong cộng đồng và người bệnh, thân nhân người bệnh tại các bệnh viện;  kĩ giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng yếu thế trong xã hội; kĩ năng kết nối các tổ chức xã hội trong và ngoài nước nhằm phát triển cộng đồng;  kĩ năng xây dựng, quản lý và điều hành các dự án về công tác xã hội,..

Hỏi: Trường đại học Trà Vinh đào tạo ngành công tác xã hội theo định hướng nào?

Trả lời:

 Đối với ngành Công tác xã hội tại Đại học Trà Vinh được đào tạo hướng tới 2 lĩnh vực đặc thù chính là: thực hành Công tác xã hội trong bệnh viện, và thực hành công tác xã hội với các trung tâm, cơ sở xã hội và phòng lao động thương binh & xã hội từ cấp xã phường, đến cấp trung ương.

Hỏi: Hình thức học ngành công tác xã hội tại trường đại học Trà Vinh như thế nào?

Trả lời: 

Để có kỹ năng phù hợp và đáp ứng công việc, sinh viên ngành Công tác xã hội tại trường Đại học Trà Vinh được đào tạo kết hợp: học trên lớp và học thực tế tại các trung tâm cơ sở xã hội, các xã phường trong công tác hỗ trợ cộng đồng, các bệnh viện và trường học. Bên cạnh đó, hàng năm Trường tổ chức các hoạt động để sinh viên tập xây dựng và quản lý các dự án xã hội cũng như tham gia các công tác thiện nguyện, tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể cho những người yếu thế, các hoạt động thăm hỏi, tặng quà,… để sinh viên được trải nghiệm thực tế.

Hỏi: Thầy cô cho em hỏi trường đại học trà Vinh có gắn kết với các đơn vị nào trong quá trình đào tạo ngành Công tác xã hội không?

Trả lời:  Hiện tại, nhằm tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, trường Đại học Trà Vinh đang có sự gắn kết  chặt chẽ với các đơn vị: (1) Sở LĐ-TBXH tỉnh Trà Vinh trong việc cho sinh viên tiếp cận với các các trung tâm bảo trợ xã hội và xã phường; (2) Bệnh viện tại Trà Vinh; (3) các Cơ sở xã hội ở TP HCM như: Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè, trung tâm bảo trợ – Dạy nghề và Tạo việc làm cho người tàn tật TP HCM. Sự gắn kết nhằm tạo điều kiện cho sinh viên được trải nghiệm các công việc thực tế và tạo mối quan hệ tốt với nhà tuyển dụng nhằm nâng cao cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.

HỎI ĐÁP VỀ NGÀNH QUẢN LÝ TDTT

Hỏi: Em muốn học ngành quản lý TDTT tại trường Đại học Trà Vinh, tuy nhiên em không biết Trường xét tuyển vào ngành này ở những tổ hợp môn nào?

Trả lời:

Bạn có thể lựa chọn một trong những tổ hợp xét tuyển sau để học ngành quản lý TDTT tại trường đại học Trà Vinh:

  • C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý)
  • C14 (Ngữ văn, Toán, GDCD)
  • C19 (Ngữ Văn, Lịch Sử, GDCD)
  • D78 (Ngữ văn, KHXH, Tiếng anh)

Ngành xét tuyển trên cả 2 phương thức: Phương thức 1 (xét tuyển sử dụng kết quả thi THPT quốc gia) và Phương thức 2 (xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT)

Hỏi: Học ngành quản lý TDTT khi ra trường em có thể làm được những việc cụ thể nào?

Trả lời:

Sau khi tốt nghiệp các em có thể xây dựng kế hoạch, công tác tổ chức xã hội – nghề nghiệp về lĩnh vực Thể dục Thể thao. Những kỹ năng về công tác quản lý TDTT quần chúng, thể thao trường học  và thể thao thành tích cao. Tổ chức các sự kiện TDTT, marketing thể thao, truyền thông thể thao.  Quản lý, điều hành mọi hoạt động của các câu lạc bộ TDTT, các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực TDTT.

Hỏi: Sau này tốt nghiệp ngành quản lý TDTT chúng em muốn được đi dạy học chúng em cần học thêm những gì?

Trả lời:

Sau khi tốt nghiệp ngành quản lý TDTT để được tham gia giảng dạy các em phải tham gia thêm lớp học “nghiệp vụ sư phạm” (thời gian lớp nghiệp vụ sư phạm có thể 3 tháng hoặc 6 tháng)

Hỏi: Sau khi tốt nghiệp ngành quản lý TDTT chúng em có thể học thêm gì để trở thành 1 huấn luyện viên (HLV)?

Trả lời:

Sau khi tốt nghiệp nếu muốn trở thành 1 HLV các em phải tham gia các lớp bồi dưỡng HLV. lớp HLV này phải đi theo từng cấp: cấp 1 là: lớp bồi dưỡng HLV, cấp 2 là: lớp HLV, cấp 3 là: lớp HLV chính, cấp 4 là: lớp HLV cao cấp.

Hỏi: Học ngành quản lý TDTT sau khi ra trường chúng em sẽ làm ở đâu và có việc làm hay không?

Trả lời:

Theo đuổi ngành Quản lý TDTT, bạn sẽ tìm thấy nhiều vị trí, cơ hội việc làm hấp dẫn trong các doanh nghiệp, tổ chức hiệp hội thể thao (phòng văn hóa TDTT, Trung tâm huấn luyện TDTT…) như:  Người đại diện thể thao; Chuyên viên đàm phán tài trợ; kinh doanh thể thao; Chuyên viên marketing thể thao; Chuyên viên quản lý phòng GYM; Chuyên viên quản lý thể thao giải trí; Chuyên viên quản lý du lịch thể thao; Chuyên viên quản lý sự kiện thể thao; Chuyên viên tổ chức sự kiện thể thao; Chuyên viên nghiên cứu thị trường thể thao; Chuyên viên quản lý thể thao chuyên nghiệp; Chuyên viên quản lý công trình thể thao tại Resort. Bên cạch đó các em có thể xin việc trong hệ thống giáo dục (tư thục, công lập) trên khấp cả nước từ: Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, trung học Phổ thông, các trường Trung cấp, Cao đẳng và Đại học…

Hỏi: Sau khi tốt nghiệp ngành quản lý TDTT chúng em có thể học thêm gì để trở thành 1 trọng tài ?

Trả lời:

Để trở thành trọng tài chuyên nghiệp các em có thể tham gia các lớp bồi trọng tài. Trọng tài tham gia các lớp từ thấp đến cao gồm có: trọng tài cấp cơ sở, trọng tài cấp quốc gia, trọng tài cấp quốc tế.

Hỏi: Ngành quản lý thể dục thể thao có phải sau khi ra trường sẽ làm chức vụ quản lý, hay lãnh đạo phải không?

Trả lời: Ngành quản lý TDTT nghĩa là sau khi tốt nghiệp các em có năng lực chuyên môn tốt về mặc xây dựng kế hoạch TDTT, quản lý các thiết bị TDTT, các công trình TDTT, quản lý các câu lạc bộ TDTT…..tại các đơn vị sự nghiệp.

Hỏi: Sau khi tốt nghiệp ngành quản lý TDTT chúng em có thể tiếp tục học sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ)?

Trả lời: Sau khi tốt nghiệp các em vẫn được tham gia học tiếp tục sau đại học như các ngành khác (nếu các em học từ cử nhân lên thạc sĩ thì học thêm 2 năm. Học từ thạc sĩ lên tiến sĩ học thêm 3 năm.  Các em có thể học từ cử nhân lên thẳng tiến sĩ thì các em học thêm 4 năm)

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC TRÀ VINH
KHOA KHOA HỌC CƠ BẢN
Số 126 Nguyễn Thiện Thành, khóm 4, phường 5, TP.Trà Vinh
Điện thoại: (+84).294.3855246
Số nội bộ: 271