tracnghiemtoanTHPT

ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC

THÔNG TIN TUYỂN SINH

THÔNG BÁO

THÔNG TIN TUYỂN SINH TVU

hoidapts

BN2

TÂM LÝ HỌC ĐƯỜNG

TUVANTAMLY2

Lượt truy cập

062915
Số khách trực tuyến 16

         Tại Mỹ và Úc, trung bình 2.000 người dân cần có một nhân viên công tác xã hội (CTXH). Ở Singapore, tỉ lệ này là 4.000 người /1 nhân viên. Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, Việt Nam có gần 30% dân số thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có gần 5 triệu trẻ em thuộc đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt. Việt Nam cần 1 nhân viên CTXH chuyên nghiệp trên 5.000 người dân. Song theo các chuyên gia giáo dục, công tác đào tạo nhân lực ngành công tác xã hội còn nan giải.

bao

Ảnh minh họa.

Nhu cầu rất lớn

         Năm 2010, Chính phủ ban hành Đề án phát triển CTXH giai đoạn 2010-2020 (gọi tắt là Đề án 32) với mục tiêu: Tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng để nâng cao năng lực cho 60.000 cán bộ, nhân viên và cộng tác viên CTXH (bình quân 3.000 người/năm). Tuy nhiên, giữa mục tiêu và nhu cầu đào tạo, tuyển dụng thực tế đang có nhiều mâu thuẫn.

        Mục tiêu của Đề án 32 là đến năm 2020 mỗi xã có một nhân viên chuyên nghiệp làm CTXH; các cơ sở cấp huyện có thể tuyển dụng 6 nhân viên xã hội chuyên nghiệp và 2 nhân viên xã hội được đào tạo sau đại học (ĐH); cấp tỉnh tuyển dụng 4 nhân viên xã hội chuyên nghiệp và 2 nhân viên xã hội được đào tạo sau ĐH; các bộ thuộc Chính phủ tuyển dụng 3 nhân viên xã hội được đào tạo sau ĐH trong mỗi vụ/ban. Trong khi đó, các trường ĐH sẽ có giảng viên được đào tạo chuyên nghiệp và 50% đào tạo sau ĐH...

        Kết quả điều tra về nhu cầu đào tạo của cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên ngành này tại TPHCM (được tiến hành trên 4.170 người) cho thấy: Chỉ có 1.037 người (chiếm 24,86%) được đào tạo dài hạn về chuyên môn nghiệp vụ nghề CTXH, 2.425 người có nhu cầu bồi dưỡng nghiệp vụ dài hạn về nghề này trong tương lai. Như vậy, con số nhân viên ngành CTXH chưa qua đào tạo vẫn còn quá lớn.

         Về vấn đề này, ông Nguyễn Hải Hữu- Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề CTXH Việt Nam cho biết, theo khung quốc tế trung bình 1.000 dân cần có 1 nhân viên CTXH, 500 dân phải có 1 nhân viên bán chuyên nghiệp. Như vậy, Việt Nam cần khoảng 300.000 nhân viên CTXH chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp. Hiện cả nước đã hình thành, phát triển được 408 cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập. Số lượng các cơ sở đào tạo chuyên ngành CTXH tăng nhanh với 55 trường đại học, cao đẳng và 21 cơ sở dạy nghề. Các tỉnh, thành phố đã hình thành mạng lưới 80.000 cán bộ, nhân viên, cộng tác viên làm CTXH ở các hội, đoàn thể các cấp. Tuy nhiên cả nước mới có khoảng 70.000 nhân viên CTXH cả đào tạo và chưa đào tạo, như vậy nhân lực ngành CTXH mới đáp ứng được 1/4 nhu cầu đặc biệt là nhân lực cấp xã, cấp cơ sở.

Thiếu đội ngũ giảng viên đạt chuẩn

        Theo ông Nguyễn Hải Hữu, có thể nói trong 5 năm gần đây nghề CTXH đã có bước phát triển đột phá. Tuy nhiên, việc phát triển nguồn nhân lực CTXH còn nhiều bất cập. Khó khăn đầu tiên là đội ngũ giảng viên còn chưa hoàn thiện. Đa số giảng viên đều “tay ngang” vào nghề như xã hội học, tâm lý học. Cơ sở thực hành còn yếu và thiếu. Chúng ta mới bắt đầu từ mô hình trung tâm bảo trợ xã hội. Đa số sinh viên vẫn phải thực hành nghề tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Trong khi đó, trung tâm bảo trợ tính chất chủ yếu là nuôi dưỡng. Còn trung tâm CTXH có thêm những chức năng tư vấn, tham vấn và hỗ trợ. Đội ngũ kiểm huấn viên (đào tạo thực hành) cũng còn thiếu và yếu.

        Bên cạnh đó, chương trình đào tạo vẫn chưa chuẩn hóa. Mỗi trường dạy theo một kiểu khác nhau. Nhiều nơi có giảng viên ngành xã hội học dạy thì sẽ bị ảnh hưởng theo kiểu định tính của ngành xã hội học chứ không thực hành. Trong khi đó, ngành CTXH đòi hỏi thực hành theo nhóm, cộng đồng, gia đình nhiều. Thạc sĩ Lê Chí An- khoa Khoa học xã hội và Nhân văn (Trường ĐH Tôn Đức Thắng), cho biết từ khi Chính phủ ban hành Đề án 32 nhằm phát triển nghề CTXH ở nước ta thì cụm từ CTXH được đặc biệt quan tâm nhiều trong lĩnh vực đào tạo và thực hành. Nhưng chúng ta đều thấy được mâu thuẫn giữa nhu cầu nhân lực CTXH và chính sách tuyển dụng hiện nay.

        Ví dụ, nhu cầu tuyển nhân viên xã hội ở lĩnh vực y tế, trường học là khá lớn nhưng các nơi này không có chỉ tiêu tuyển hoặc khó tuyển, trong khi Đề án 32 yêu cầu phát triển CTXH trong nhiều lĩnh vực. Đối với ngành y tế, đã có Đề án phát triển CTXH trong lĩnh vực y tế giai đoạn 2011-2020, có thông tư hướng dẫn tổ chức CTXH trong bệnh viện, nhưng rất ít bệnh viện thực hiện được. Tương tự, Bộ GDĐT đã ban hành Kế hoạch phát triển CTXH trong trường học nhưng triển vọng tuyển dụng nhân viên xã hội học đường vẫn còn nhiều thách thức.

         Bà Trần Thị Lụa- Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam - Phân viện miền Nam, cho biết: Cả nước đã hình thành và phát triển được hơn 413 cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập, trong đó có gần 40 trung tâm CTXH chuyên sâu. Có thể thấy rằng, để có đội ngũ đáp ứng được nhu cầu trên, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực giảng dạy tốt, làm sao để khi họ học xong thì có thể làm ngay mà không phải học lại. Có thể nói, sau nhiều năm triển khai đề án, nhân lực ngành CTXH vẫn là một vướng mắc mà hầu hết các địa phương đang gặp phải.

        Bộ GDĐT đã ban hành Quyết định 327 về phát triển nghề CTXH trong ngành giai đoạn 2017-2020 với mục tiêu cụ thể: Đến hết năm 2018 có ít nhất 15 cơ sở giáo dục ĐH đào tạo thạc sĩ CTXH. Đến hết năm 2020, 100% đội ngũ cán bộ giảng viên được bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn về CTXH. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam mới chỉ có 2 cơ sở là Học viện Khoa học Xã hội và Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) đào tạo bậc tiến sĩ CTXH…

        Để đào tạo bậc thạc sĩ CTXH, đòi hỏi cơ sở giáo dục phải có đội ngũ giảng viên được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp. Đây là một thách thức lớn với nhiều trở ngại như: thiếu nguồn nhân lực tiến sĩ, thạc sĩ giảng dạy trong các trường ĐH, CĐ trên cả nước; chương trình chưa rõ ràng; trình độ ngoại ngữ của người học và dạy còn hạn chế; hệ thống giáo trình còn thiếu; thiếu cơ sở thực tập và giáo viên hướng dẫn…

        Bà Nguyễn Thị Thái Lan- Giảng viên khoa Xã hội học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) cho biết: Công tác xã hội là một ngành khoa học, một nghề thực hành đã tồn tại trên 130 quốc gia trên thế giới. CTXH được đánh giá có những tham gia và đóng góp tích cực vào hỗ trợ giải quyết các vấn đề xã hội. Đặc biệt là làm tăng cường chất lượng cuộc sống của những nhóm người yếu thế trong xã hội. Nghề công tác xã hội không phải là từ thiện, cũng không phải là hoạt động tình nguyện. Để làm được các công việc của ngành CTXH, cá nhân cần phải được đào tạo kiến thức, kỹ năng, thái độ, giá trị đạo đức.

Văn Minh

Nguồn: http://baomoi.com/nan-giai-nhan-luc-nganh-cong-tac-xa-hoi/c/28346083.epi

TRƯỜNG ĐẠI HỌC TRÀ VINH
KHOA KHOA HỌC CƠ BẢN
Số 126 Nguyễn Thiện Thành, khóm 4, phường 5, TP.Trà Vinh
Điện thoại: (+84).294.3855246
Số nội bộ: 271